Dấu hiệu nhận biết và cách sơ cứu người bị đột quỵ

Đột quỵ có thể nguy hiểm đến tính mạng hoặc để lại những di chứng nặng nề. Vì thế, mục tiêu của sơ cứu đột quỵ là giảm tử vong và di chứng cho người bệnh. Bài viết sau sẽ cung cấp cho bạn đọc về dấu hiệu nhận biết và cách sơ cứu người bị đột quỵ đúng cách khi chờ cấp cứu.

Tổng quan về đột quỵ

Tại sao cách sơ cứu người bị đột quỵ lại quan trọng? Để trả lời cho câu hỏi này, mời bạn đọc cùng tìm hiểu về: Các dạng đột quỵ và mức độ nguy hiểm của đột quỵ.

Đột quỵ là gì?

Đột quỵ hay còn gọi là tai biến mạch máu não gồm có 2 thể lâm sàng chính là: Đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp tính và đột quỵ xuất huyết não.

  • Đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp tính: Đột quỵ thiếu máu não cục bộ cấp tính còn có tên gọi là nhồi máu não. Đây là tình trạng dòng máu đột ngột không lưu thông đến một khu vực của não, do tắc nghẽn mạch bởi huyết khối hoặc cục tắc ở động mạch não. Từ đó, làm mất chức năng thần kinh tương ứng.
  • Đột quỵ xuất huyết não: Đột quỵ xuất huyết não xảy ra do nứt vỡ các động mạch trong não.

Trong đó, tới 80% người bệnh bị đột quỵ thiếu máu não (hay nhồi máu não), số còn lại là đột quỵ xuất huyết não. 

Người bệnh bị đột quỵ do thiếu máu não chiếm tới 80% số ca đột quỵ
Người bệnh bị đột quỵ do thiếu máu não chiếm tới 80% số ca đột quỵ

Đột quỵ có nguy hiểm không?

Ảnh hưởng lớn nhất của đột quỵ đối với người bệnh là tử vong. May mắn sống sót thì có thể gặp phải những di chứng nặng nề. Người bệnh sau đột quỵ sẽ phải đối mặt với các di chứng:

  • Liệt hoặc các vấn đề về vận động: Liệt thường xảy ra ở một phần cơ thể đối diện với bên não bị tổn thương. Có thể là: 1 bên mặt, tay, chân hoặc toàn bộ 1 bên cơ thể. Do đó, gây khó khăn trong sinh hoạt hàng ngày của người bệnh.
  • Rối loạn cảm giác: Các biểu hiện như mất khả năng cảm giác sờ, đau, nhiệt độ hoặc vị trí. Một số trường hợp có cảm giác đau, tê ngứa, như bị châm chích được gọi là dị cảm. Mất cảm giác tiểu tiện, mất khả năng kiểm soát bàng quang, nhu động ruột,… cũng là những biểu hiện có thể gặp phải.
  • Rối loạn ngôn ngữ: Liên quan đến khả năng nói, viết và hiểu ngôn ngữ. Trường hợp nặng, người bệnh có thể mất khả năng nói, nghe hiểu, đọc, viết.
  • Vấn đề về tư duy và trí nhớ: Người bệnh có thể mất trí nhớ ngắn hạn hoặc giảm sự chú ý. Hoặc không còn khả năng lập kế hoạch, hiểu ý nghĩa,…
  • Rối loạn cảm xúc: Những cảm xúc tiêu cực như sợ hãi, lo lắng, thất vọng, buồn bã, giận dữ,… Thậm chí có thể là trầm cảm.

Người bệnh càng lâu được cấp cứu, mức độ tổn thương càng lớn và lâu hồi phục. Vì vậy cách sơ cứu người bị đột quỵ trong khi chờ cấp cứu vô cùng quan trọng.

Người sau đột quỵ có thể phải đối mặt với những di chứng nặng nề
Người sau đột quỵ có thể phải đối mặt với những di chứng nặng nề

Dấu hiệu nhận biết nhanh đột quỵ qua quy tắc BEFAST

Bạn đọc có thể ghi nhớ công thức BEFAST để nhận biết sớm dấu hiệu đột quỵ. Từ đó, có cách sơ cứu người bị đột quỵ kịp thời. Cụ thể ý nghĩa của quy tắc BEFAST như sau:

  • B (BALANCE): Balance có nghĩa là cân bằng. Chữ B (Balance) diễn tả tình trạng người bệnh đột ngột bị mất thăng bằng. Và đau đầu, chóng mặt dữ dội, kèm theo mất khả năng phối hợp vật động.
  • E (EYESIGHT): Eyesight có nghĩa là thị lực. Chữ E (Eyesight) diễn tả tình trạng thị lực của người bệnh giảm. Người bệnh bị mờ mắt, hoặc mất thị lực ở một hoặc cả hai bên mắt.
  • F (FACE): Face có nghĩa là mặt. Chữ F (Face) diễn tả sự biến đổi của gương mặt người bệnh. Cụ thể: Người bệnh có thể bị liệt, méo miệng, nhân trung bị lệch, dấu hiệu rõ ràng nhất khi cười lớn. Nhân trung là đoạn nối giữa điểm dưới mũi đến môi trên.
  • A (ARM): Arm có nghĩa là cánh tay. Chữ A (Arm) diễn tả việc người bệnh khó hoặc không thể cử động tay chân, 1 bên của cơ thể bị liệt. Người bệnh sẽ không thể giơ hai tay lên cùng lúc.
  • S (SPEECH): Speech có nghĩa là lời nói. Chữ S (Speech) diễn tả việc người bệnh khó nói, nói ngọng, dính chữ. Bạn có thể yêu cầu người bệnh lặp lại câu mình vừa nói để kiểm tra.
  • T (TIME): TIME có nghĩa là thời gian. Chữ T (TIME) diễn tả việc hãy gọi ngay cấp cứu 115 để nhận được hướng dẫn và hỗ trợ của nhân viên y tế khi người bệnh có dấu hiệu đột quỵ.
Dấu hiệu nhận biết nhanh đột quỵ theo quy tắc BEFAST
Dấu hiệu nhận biết nhanh đột quỵ theo quy tắc BEFAST

Cách sơ cứu người bị đột quỵ

Khi gặp trường hợp bị đột quỵ hãy thực hiện ngay các bước sau:

Bước 1: Gọi cấp cứu 115 và thông báo cho nhân viên y tế về tình trạng của người bệnh. Hãy hỏi nhân viên y tế về cách sơ cứu người bệnh để được hướng dẫn chi tiết nhất.

Bước 2: Trong lúc chờ cấp cứu, thực hiện sơ cứu theo hướng dẫn của nhân viên y tế. Các thao tác thường là:

  • Để người bệnh nằm ở nơi an toàn, thoải mái. Đặt người bệnh nằm nghiêng, phần đầu kê cao hơn để tránh trường hợp bị sặc đường thở.
  • Để người bệnh dễ thở hơn, hãy nới lỏng quần áo, phụ kiện như cà vạt, khăn quàng cổ, thắt lưng,…
  • Nếu người bệnh ngừng tim hãy tiến hành xoa bóp tim ngoài lồng ngực.
  • Lấy sạch đờm, dãi trong miệng người bệnh bằng ngón trỏ được quấn khăn sạch.
  • Không cho bất cứ vật gì vào miệng người bệnh để tránh tình huống bị sặc.
  • Nếu bị co giật, để tránh trường hợp người bệnh cắn phải lưỡi, cần dùng đũa đã quấn lớp vải ngáng ngang miệng người bệnh.
  • Đắp chăn giữ ấm cơ thể cho người bệnh.
  • Trấn an tinh thần người bệnh, giữ bình tĩnh.
  • Ghi lại thời gian người bệnh bắt đầu xuất hiện triệu chứng để báo lại với nhân viên y tế.
  • Ghi lại những loại thuốc, tình trạng bệnh lý mà người bệnh đang mắc phải (nếu có thể).

Bước 3: Cung cấp thông tin của người bệnh cho nhân viên y tế.

Gọi cấp cứu 115 và hỏi về cách sơ cứu người bị đột quỵ trong thời gian chờ cấp cứu
Gọi cấp cứu 115 và hỏi về cách sơ cứu người bị đột quỵ trong thời gian chờ cấp cứu

Những lưu ý khi sơ cứu người bị đột quỵ

Khi sơ cứu cho người bị đột quỵ, cần lưu ý những điều sau:

  • Không để người bệnh nằm ngửa. Vì người bệnh có thể bị tụt lưỡi xuống họng, làm cản trở đường thở. Nằm nghiêng là tư thế an toàn, tránh sặc khi người bệnh nôn ói.
  • Không cho người bệnh ăn uống hay uống thuốc gì để tránh sặc.
  • Không cạo gió, chích máu cho người bệnh.
  • Gọi cấp cứu 115 ngay khi phát hiện người bệnh bị đột quỵ. Vì người bệnh được cấp cứu càng sớm càng tốt. 

Trên đây là những thông tin về dấu hiệu nhận biết và cách sơ cứu người đột quỵ. Hy vọng, bài viết này đã cung cấp những thông tin hữu ích cho bạn đọc. Nếu cần tư vấn thêm, hãy liên hệ với chúng tôi qua tổng đài: 1800.1286 để được giải đáp.

Để lại một bình luận

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

19003199
Chat Facebook
Chat Zalo