Nghi dịch SARS tái xuất ở Trung Quốc: Bộ Y tế Việt Nam tìm cách ngăn dịch lây lan

Ngày 3/1, Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế thông tin về căn bệnh viêm phổi cấp nguy hiểm chưa xác định nguyên nhân đang xảy ra tại Trung Quốc.

Theo Cục Y tế dự phòng, Bộ Y tế, trong tháng 12/2019, Trung Quốc ghi nhận các trường hợp viêm phổi cấp chưa rõ nguyên nhân ở các cơ sở y tế tại thành phố Vũ Hán, tỉnh Hồ Bắc.

Tính đến ngày 31/12/2019, đã ghi nhận 27 trường hợp mắc, trong đó có 7 trường hợp trong tình trạng nặng, các trường hợp khác sức khỏe ổn định, chưa ghi nhận trường hợp tử vong.


Các bác sĩ điều trị cho bệnh nhân SARS tại Viện Y học lâm sàng các bệnh nhiệt đới (nay là BV Bệnh nhiệt đới Trung ương) năm 2003. Ảnh: BV Bệnh nhiệt đới

Bộ Y tế Trung Quốc đã tổ chức điều tra và triển khai các biện pháp kiểm soát tình hình dịch bệnh. Đến nay chưa có bằng chứng rõ ràng của việc lây truyền từ người sang người và cũng chưa ghi nhận trường hợp cán bộ y tế nào bị nhiễm bệnh.

Kết quả xét nghiệm ban đầu cho thấy đây là các trường hợp viêm phổi cấp do vi rút, tuy nhiên chưa xác định được nguyên nhân cụ thể, Bộ Y tế Trung Quốc tiếp tục làm các xét nghiệm để xác định nguyên nhân gây bệnh.

Trong những năm gần đây, tại Trung Quốc thỉnh thoảng vẫn ghi nhận một số dịch bệnh nguy hiểm, mới nổi như cúm A(H7N9), dịch hạch, viêm phổi cấp không rõ nguyên nhân…

Trước tình hình này, Bộ Y tế Việt Nam đã chỉ đạo việc giám sát chặt chẽ tình hình dịch bệnh ngay tại cửa khẩu và cộng đồng để chủ động ngăn ngừa các dịch bệnh xâm nhập vào nước ta.

Bộ Y tế Việt Nam tiếp tục phối hợp với Tổ chức Y tế thế giới để cung cấp thêm các thông tin chính thức và theo dõi chặt chẽ tình hình dịch bệnh viêm phổi nói trên tại Trung Quốc để đưa ra các biện pháp phòng chống dịch bệnh phù hợp.

Bệnh SARS có biểu hiện tương đối giống với người mắc cúm nặng. Việt Nam hiện cũng đang trong mùa dịch cúm, 2 type virút cúm phổ biến nhất là cúm A/H1N1 và cúm B.

Trước đó, cách đây 17 năm, đại dịch SARS (hội chứng viêm đường hô hấp cấp tính nặng) xuất hiện lần đầu tiên vào cuối tháng 11/2002 với khoảng 8.000 người mắc tại 32 quốc gia khắp thế giới.
                                                                                                                     ( Nguồn báo Sức khỏe Đời sống )

Trả lời

Email của bạn sẽ không được hiển thị công khai. Các trường bắt buộc được đánh dấu *

19003199
Chat Facebook
Chat Zalo